Sacrum Triduum – Tam nhật thánh

Trong nếp sống đức tin đạo Công giáo có ba ngày cao điểm mừng kính mầu nhiệm ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô: ngày thứ Năm tuần thánh Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, chức Linh mục; ngày thứ Sáu tuần thánh Chúa Giêsu chịu chết thập gía và ngày Chúa nhật phục sinh, Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết.

Ba ngày này theo tập tục đạo đức có tên là tam nhật thánh. Trong ba ngày thánh này, Giáo Hội mừng kính tưởng nhớ lại các biến cố sau cùng đời Chúa Giêsu ở trần gian, và làm mới sống động lại ý nghĩa biểu tượng các Bí tích Chúa Giêsu đã lập .

1. Phép Bí tích

Trước khi chịu chết, Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể, Bí tích chức Linh mục để lại cho trần gian, cho Giáo Hội. Bánh và rượu nho là hai yếu tố chính yếu Chúa đã dùng để thiếp lập Bí tích Thánh Thể. Và Giáo Hội từ ngày đó hằng trung thành làm đúng như ngày xưa Chúa đẳ làm trối lại.

Nhưng đâu là ý nghĩa của chất liệu làm nên các Bí tích?

„Trung tâm của việc phụng vụ thờ kính Thiên Chúa trong Giáo Hội là các phép Bí tích. Phép Bí tích không do con người làm nên, nhưng do Thiên Chúa làm cho con người, có liên quan mật thiết với đời sống cũng như cho sự nhìn biết cùng hướng dẫn con người. Thiên Chúa để cho con người cảm nhận thấy nơi phép Bí tích qua chất liệu cụ thể trong đời sống, qua những hoa trái của công trình thiên nhiên. Đó là bốn yếu tố của công trình sáng tạo thiên nhiên trong vũ trụ được dùng làm nên những Bí tích: nước, bánh mì, rượu nho và dầu ôliu.

Nước là yếu tố căn bản cho mọi sự sống được dùng trong Bí tích rửa tội như dấu chỉ thiết yếu cho đời sống mới trong Chúa Giêsu Kitô….Còn ba yếu tố khác một bên là những hoa trái của công trình sáng tạo thiên nhiên, và một bên khác cũng là nơi chốn trong dòng lịch sử Thiên Chúa với con người chúng ta. Những yếu tố này là hợp đề của công trình sáng tạo và lịch sử: hoa trái của Thiên Chúa luôn gắn liền với nơi chốn trên trái đất, mà Ngài trong dòng lịch sử thời gian luôn đồng hành với chúng ta.

Bánh mì là lương thực cho đời sống hằng ngày. Đó là hoa trái căn bản cho đời sống ngày này qua ngày khác.

Rượu nho nói lên hoa trái của đồng ruộng đất đai, là chất uống cao qúy trong công trình sáng tạo mang lại niềm vui cho con người.

Chất dầu lấy từ cây ôliu là lương thực mang lại hiệu qủa như thuốc chữa bệnh, như chất mang lại vẻ đẹp cùng sức khoẻ dẻo dai. Các vị Vua và thầy cả được xức dầu là dấu chỉ nhân phẩm và bổn phận trách nhiệm, cũng như sức mạnh cho họ nhận lãnh từ Thiên Chúa.“

Đức Giáo hoàng Bendcitô 16., bài giảng ngày thứ Năm tuần Thánh 01.04.2010

2. Đây là cây thánh gía

Cây thánh gía Chúa Giêsu là trung tâm chính trong lễ nghi phụng vụ ngày thứ sáu tuần thánh.

Cây Thánh gía Chúa Giêsu được rước dương cao tôn kính thờ lạy cách trọng thể nhắc nhớ lại vào chiều ngày thứ sáu cách đây hơn hai ngàn Chúa Giêsu bị đóng đinh chết trên đó.

Cây thập gía ngày xưa là một hình phạt cho ai phạm trọng tội. Và ngày nay tuy không còn hình phạt thập gía nữa, nhưng con người vẫn còn sợ hãi khi ngắm nhìn, suy nghĩ về thập gía .

Vây đâu là ý nghĩa thiêng liêng đạo đức cây Thánh gía Chúa Giêsu ngày thứ sáu tuần thánh?

„Buổi chiều hôm nay chúng ta từ tận trong trái tim tâm hồn cùng sống lại thảm cảnh đau thương của Chúa Giêsu, Đấng bị dồn ép, chồng chất đè nặng bởi sự đau đớn, sự dữ, tội lỗi của con người.

Trước mắt chúng ta sự gì bây giờ còn lưu lại? Điều lưu lại là Đấng bị đóng đinh trên thập gía. Cây thập giá được dựng lên cao ở trên đồi Golgotha. Cây thập gía nói lên sự thất bại hòan toàn của Đấng mang ánh sáng đến, bị bao trùm chìm ngập trong bóng tối. Đấng đã trong sức mạnh nói lên sự tha thứ làm hòa và lòng thương xót; Đấng đã hằng cổ võ khuyến khích con người đến với đức tin vào tình thương yêu vô biên của Thiên Chúa. Bị khinh miệt và chịu khổ nhục do con người, đang đứng trứơc chúng ta một
„Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới.“ ( Isaia 53,3)

Nhưng chúng ta ngắm nhìn lên người bị đóng đinh trên thập gía treo lo lửng giữa đất và trời , chúng ta sẽ khám phá ra rằng, thập gía không là dấu chỉ chiến thắng của sự chết, của tội lỗi và sự dữ xấu xa. Nhưng thập gía chiếu tỏa dấu chỉ tình yêu. Phải, tình yêu Thiên Chúa rộng lớn, mà chúng ta không bao giờ có thể cầu xin, khám phá hay trông mong được. Thiên Chúa đã tự hạ mình đi xuống với con người chúng ta, vào tới tận cùng góc cạnh tối tăm nhất của đời sống bản tính con người.

Qua đó Ngài đã đưa tay tới chúng ta, và kéo chúng ta lên cao với Ngài. Cây thập gía nói cho chúng ta tình yêu sâu thẳm cùng nổi bật nhất của Thiên Chúa, cùng mời gọi chúng ta ngày hôm nay tin vào sức mạnh của tình yêu này mà đổi mới nếp sống. Đức tin nói với ta, Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh đời sống chúng ta, trong dòng lịch sử và thế giới luôn hằng có mặt, để thắng sự chết, sự tội và sự dữ. Qua đó trao tặng chúng ta một sự sống lại mới.

Nơi cây thập gía sự chết của Con Thiên Chúa có ẩn chứa sẵn mầm niềm hy vọng sự sống mới, như hạt giống lúa mì chết trong lòng đất khi bị gieo vào đó.“

Đức Giáo Hoàng Benedcito 16., bài suy niệm Thứ sáu tuần thánh , ngày 02.04.2010

3. Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ

Trong đêm tối ngày thứ bảy tuần thánh canh thức mừng ngày Chúa nhật phục sinh, ánh lửa mới, cây nến Chúa phục sinh được làm phép rước vào nhà thờ, như biểu hiệu Chúa Giêsu sống lại mang ánh sáng sự sống mới chiếu dọi xóa tan đêm tối tội lỗi sự chết.

Trong đêm canh thức còn có lễ nghi làm phép nước rửa tội. Và nhiều nơi có người lớn hoặc trẻ em đựợc rửa tội trong đêm thánh này.

Bí tích Rửa tội là Bí tích bắt đầu đời sống mới trong Chúa Giêsu Kitô. Nước là dấu chỉ sự tẩy rửa tội lỗi con người cũ để mặc lấy áo sự sống con người mới trong Chúa Giêsu Kitô.

„ Trong nghi thức Rửa tội có hai yếu tố chính nói lên điều xảy ra và sự mong muốn đòi hỏi cho đời sống. Điều này diễn ra qua lời từ bỏ và lời ưng thuận. Trong thời Gíao Hội thuở ban đầu, trong lễ Rửa tội ứng sinh chịu Bí tích Rửa tội quay về hướng Tây, nơi là hình ảnh mang ý nghĩa của bóng tối, của hướng mặt trời lặn, của sự chết và sự thống trị của tội lỗi. Quay về hướng đó, ứng sinh chịu phép Rửa nói ba lần từ bỏ: ma qủy, sự vinh hoa quyến dũ của nó và sự tội.

Sự vinh hoa quyến rũ của ma qủi được diễn tả như sự hào nhoáng của việc tôn kính các thần thánh thời cổ xưa, và những màn kịch ca hát thời thượng cổ, trong đó người ta thưởng thức màn cảnh những con thú dữ cắn xé ăn thịt người còn đang sống. Đó là lý do sự từ bỏ một thứ nền văn hóa trói buộc con người vào những mắt xích tôn thờ quyền hành sức mạnh, chạy theo sự tham lam ham muốn, sự dối trá cùng sự độc ác thâm hiểm. Nói lên từ bỏ điều này là cách thế sống giải thoát khỏi sự chỉ huy của lối sống đưa đến hưởng thụ và đưa đến sự phá hủy điều tốt đẹp cao qúy nhất nơi con người. Sự từ bỏ này ngày nay cũng vẫn nằm trong phần chính yếu của bí tích Rửa tội.

Sự từ bỏ biểu hiện qua việc cởi bỏ tấm áo con người cũ. Hay theo một ý nghĩa tích cực tốt đẹp hơn: chúng ta bắt đầu sống đời sống từ bỏ. Sự từ bỏ là một lời đoan hứa. Lời đoan hứa đã được Thánh Phaolô viết lại thành chữ trong thư gửi Giáo đoàn tín hữu Galata, có liên quan mật thiết đến thân xác con người: „ Những việc do xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. „ ( Galata 5,19-21).

Đoạn ứng sinh chịu phép Rửa tội quay mặt về hướng Đông, nơi là hình ảnh mang ý nghĩa của ánh sáng, của mặt trời mọc, cho Chúa Giêsu Kitô. Ứng sinh chịu phép Rửa tội đi theo hướng mới cho đời sống: đức tin vào Thiên Chúa ba ngôi, Đấng tạo thành vũ trụ và đời sống con người. Chúng ta được mặc tấm áo ánh sáng của Thiên Chúa, tấm áo đời sống. Thánh Phaolô đã đặt tên cho những tấm áo này là hoa trái phúc lộc của Thánh Thần Thiên Chúa: „hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ.“ ( Galata 5,22-23).

Đức Giáo Hoàng Benedcito 16., bài giảng đêm phục sinh , ngày 03.04.2010

Mừng tam nhật thánh 2012

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long