Phục vụ đời sống

Khi người nào, lúc còn khỏe mạnh tích cực họat động, tới tuổi lui về đời sống nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, thường được ca ngợi vì những việc họ đã sống đã làm: họ đã hy sinh quảng đại phục vụ con người và chăm chỉ làm việc tới nơi tới chốn!

Rồi khi ông bà, cha mẹ chúng ta được Chúa gọi trở về đời sau, con cháu ngậm ngùi nhớ đến với lòng cung kính ngưỡng mộ công ơn các ngài, nhớ đến đời sống làm việc phục vụ của các ngài cho con cháu.

Hằng năm chúng ta mừng kính các Thánh Tử đạo Việt nam, tiền nhân tổ tiên của chúng ta, các ngài được tôn kính ca ngợi vì công đức hy sinh của các Ngài cho đức tin vào Chúa, và lòng bác ái phục vụ của các Ngài nơi con người.

Ca ngợi nhớ đến, và đồng thời cũng muốn học hỏi nơi gương đời sống phục vụ của những người đi trước đã sống để lại.

Lẽ dĩ nhiên lối sống ở mỗi thời đại, vào mỗi không gian địa lý cùng nếp sống văn hóa con người mỗi khác, nhưng đời sống phục vụ con người, đời sống làm việc vẫn luôn là mẫu số chung căn bản xưa nay cho con người.

Chúa Giêssu đã nói đến điều này như con đường chỉ hướng cho đời sống đức tin: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người."

Từ trong gia đình Cha mẹ, tuy là người sinh thành ra chúng ta, nhưng lại là người phục vụ con cháu từ những việc nhỏ nhất, căn bản nhất cho đời sống con cháu. Không phải họ phục vụ chỉ khi con cháu còn thơ bé, mà cả lúc con cháu đã khôn lớn trưởng thành. Nhiều bậc cha mẹ đã từng tâm sự, lúc con còn nhỏ, có lo nhỏ; lúc con lớn khôn, có mối lo to lớn hơn. Lòng lo lắng của họ nói lên lòng hy sinh sẵn sàng phục vụ cho hạnh phúc con cháu của họ.

Cha mẹ hy sinh phục vụ con cháu là những con người mà Thiên Chúa ban cho đời cha mẹ.

Cha mẹ hy sinh phục vụ con cháu mình không chỉ là một bổn phận thiêng liêng cao qúy hay bắt buộc, nhưng còn là niềm vui hạnh phúc của đời họ.

Cha mẹ hy sinh phục con cháu mình không phải cho mình, nhưng vì đời sống tương lai của con cháu mình.

Không chối cãi, việc hy sinh phục vụ cha mẹ cho con cháu trong gia đình mình là điều dễ dàng thực hành, nhưng việc phục vụ con người ngoài xã hội là điều khác cùng gặp nhiều khó khăn vướng trở.

Hy sinh phục vụ là chấp nhận từ bỏ chính mình, là chấp nhận người khác, chấp nhận kỷ luật cùng lòng kiên nhẫn, là chấp nhận bị hiểu lầm khinh khi có khi bị chế diễu nữa. Điều này thật không dễ chút nào. Vì tâm tính tự nhiên nơi mỗi người rất khó chịu khi bị coi thường lép vế phải sống khiêm nhường. Tự nhiên ai cũng muốn vươn cao trổi vượt đi lên.

Các Thánh, những người có đời sống nhân đức bác ái cao độ dấn thân phục vụ con người cũng đều trải qua ải khó khăn này, và họ luôn phải chiến đấu với tính tự nhiên của chính mình để vượt qua khó khăn vướng trở mà tiếp tục con đường đời sống dấn thân phục vụ con người.

Chúa Giêsu hiểu tâm tư đó nên đã đưa ra một hình ảnh sống động làm gương mẫu: „Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.".

Với hình ảnh này, Chúa Giesu muốn nói: việc phục vụ trở nên đầy đủ ý nghĩa, khi nơi nào chấp nhận sự sống và lo lắng cho sự sống con người trong mọi hòan cảnh. Vì sự sống của một con người là qùa tặng cao qúy của Trời cao cho nhân loại.

Trong ý nghĩa đó, Chúa Giêsu đã từn trời xuống trần gian làm người, hạ mình phục vụ hy sinh dấn thân cho sự sống con người, bằng lòng chịu chết trên cây thập gía hầu mang ơn cứu độ cho phần rỗi linh hồn con người.

Các Thánh tử đạo Việt Nam chúng ta cũng đã sống trung thành với đức tin vào Chúa qua con đường hy sinh bác ái phục vụ con người bằng giúp đỡ, và lòng tha thứ làm hòa với người bách hại mình.

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long