Ngọn lửa Olympia

Chiều tối ngày 27.07.2012 Thế vận Hội quốc tế Olympia lần thứ 30. đã được khai mạc với nhiều màn hoạt cảnh trình bày rất ngoạn mục lộng lẫy với nhiều chi tiết sống động nếp sống văn hóa, nếp sống kinh tế phát triển trải qua những thời kỳ từ nông nghiệp sang thời kỹ nghệ, sang thời đại điện tử Internet của người Anh ở thủ đô London bên Anh quốc.

Các nhà thể thao chuyên nghiệp của 204 quốc gia trên thế giới cùng kéo về tham dự những trận thi đấu thể thao tranh dành 302 huy chương của 26 bộ môn thể thao khác nhau từ ngày 27.07. đến 12.08.2012.

Nhưng trung tâm và cao điểm của lễ khai mạc Olympia là ngọn lửa Olympia được đốt thắp lên trong suốt thời kỳ diễn ra thi đấu thể thao Olympia.

Đâu là ý nghĩa ngọn lửa Olympia đối chiếu với ngọn lửa đức tin đạo Công giáo của chúng ta?

01- Lửa Olympia được lấy từ ánh lửa mặt trời tại nơi đền thờ thần Hera bên nước Hylạp- đền thờ và sân vận động đầu tiên Olympia này bây giờ chỉ còn lại những tàn tích cột trụ tường vách đổ nát. Một vài tháng trước khi khai mạc Olympia, những nữ diễn viên mặc lễ phục đóng vai là những nữ tư tế thời cổ xưa, trong một nghi lễ theo tập tục lễ nghi tôn giao thờ thần thánh cổ xưa, cùng với sự trợ giúp của một tấm gương phản chiếu ánh sáng mặt trời, sẽ lấy lửa từ đó cầm mang chạy khắp vận động trường Olympia thời cổ xa xưa ở Hylạp.

Sau đó ngọn lửa Olympia sẽ được trao cho các vận động viên thể thao đã được cắt cử, chạy mang tiếp đi khắp nơi xuyên qua các quốc gia. Và sau cùng ngọn lửa Olympuia sẽ về tới vận động trường nước đăng cai tổ chức Olympia vào ngày lễ khai mạc. Ngọn lửa Olympia sẽ được đốt cháy trong suốt thời kỳ diễn ra Olympia, thường là hai tuần lễ.

Ngọn lửa Olympia tượng trưng cho ánh sáng hòa bình của thần thánh từ trời cao chiếu xuống trần gian.

Đêm phục sinh mừng Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, và chính Ngài là mặt trời công chính, ánh sáng ngọn nến phục sinh được đốt thắp cháy sáng.

Ngọn lửa này không phải do các diễn viên kịch sĩ điện ảnh sân khấu đóng vai trò tư tế lấy từ mật trời đốt lên, rồi cầm chạy khắp các nơi. Không, ngọn lửa Chúa Giêsu phục sinh được đốt thắp sáng lên do chính các vị Tư Tế của Giáo Hội Chúa ở trần gian làm phép, Đức Thánh Cha, vị Giám Mục, Linh mục, Thầy Phó tế cầm rước trong đêm tối tiến vào cung thánh nhà thờ với lời ca ngợi tung hô: Lumen Christi – Ánh sáng Chúa Kitô.

Ngọn lửa Chúa phục sinh là ngọn lửa sự sống niềm hy vọng chiếu tỏa ánh sáng cho tâm hồn con người trong suốt dọc đời sống từ ngày lãnh nhận làn nước Bí Tích rửa tội, khi đốt thắp sáng cây nến đọc kinh cầu nguyện, và ngày sau cùng của đời sống trên trần gian trong thánh lễ tiễn biệt an táng người qua đời.

02- Ngọn lửa Olympia chiếu tỏa ánh sáng hòa bình soi sáng cho mọi lực sĩ thi đấu tuân giữ kỷ luật thể thao môn chơi, giữ hòa khí với nhau trong khi tranh đua trên sân chơi thể thao.

Ngày xưa khi dân Thiên Chúa từ xứ Ai Cập trở về nước Chúa hứa ban, cột lửa dẫn đầu soi sáng cho con người vượt qua biển đỏ, vượt qua đêm đen tối.

Ngọn lửa cây nến Chúa phục sinh soi chiếu vào đêm tối tội lỗi mang đến ơn cứu độ cho linh hồn con người. Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng từ trời cao đến trần gian. Ngài không sợ bóng tối đêm đen thể lý không gian, cũng như bóng tối đêm đen tội lỗi sự chết. Nhưng Ngài mang ánh sáng soi chiếu vào trong đêm tối đó. Ánh sáng ngọn lửa Chúa phục sinh soi chiếu mang đến niềm hy vọng vào sự sống cho tâm hồn con người.

03- Chiều ngày hôm qua, 27.07.2012, trong lễ khai mạc Olympia, 07 vận động viên trẻ cầm những bó đuốc có lửa Olympia chạy tiến vào giữa sân vận động cùng châm lửa Olympia vào 204 ngọn đuốc tượng trưng cho 204 quốc gia tham dự thế vận hội Olympia lần thứ 30. Từ từ khi ánh lửa lan châm hết 204 ngọn đuốc, tất cả 204 ngọn lửa bật trồi vươn lên cao kết chập thành một cột ngọn lửa khổng lồ cháy sáng chiếu tỏa hơi nóng ánh sáng khắp sân vận động Olympia London. Bầu không khí lúc này thật là ấn tượng chiếu tỏa mầu sắc huyền bí thi vị, mang niềm vui phấn khởi cho mọi người.

Trong đêm mừng Chúa sống lại, Vị Chủ tế cầm cây nến Chúa phục sinh to lớn hơn mọi cây nến tiến vào nhà thờ. Và rồi từ cây nên Chúa phục sinh, những cây nên nhỏ khác của mọi người tín hữu châm lấy lửa đốt thắp sáng lên cho mình. Bầu không khí trong thánh đường lúc này thật huyền bí linh thiêng. Vẻ đẹp thánh đức pha lẫn nét thi vị chan hòa khắp khung cảnh thánh đường trong đêm tối.

04 - 07 Bạn trẻ cầm đuốc có lửa Olympia tiến vào sân vận động châm đốt 204 ngọn đuốc nói lên sự tươi trẻ, hùng tráng nhanh lẹ hướng về tương lai.

Con số bẩy nhắc nhớ đến 07 ơn Đức Chúa Thánh Thần, Đấng là ngọn lửa đã hiện xuống trên Đức Mẹ Maria và các Thánh Tông đồ ngày lễ Hiện xuống năm xưa ở Giêrusalem, sau khi Chúa Giêsu trở về trời. Đức Chúa Thánh Thần là hơi nóng nồng ấm, là sức sống tươi trẻ vươn lên, là sự sáng tạo của trí khôn cùng là nguồn tình yêu và sự an ủi nâng đỡ cho tâm hồn con người.

05- Ngọn lửa Olympia được lấy từ ánh sáng mặt trời là hình ảnh của tình yêu thương liên đới, hình ảnh của sự sống niềm hy vọng. Ngọn lửa này được lấy đó thắp lên cứ mỗi khi diễn ra lễ hội Olympia và sau đó lại dập tắt đi

Ngọn lửa đức tin vào Thiên Chúa là ngọn lửa ơn cứu chuộc Chúa Giêsu mang đến cho con người trên trần gian. Ngọn lửa này không bị dập tắt, nhưng theo sát suốt dọc đời sống con người.

Ngọn lửa đức tin vào Chúa mỗi người tín hữu dã tiếp nhận ngày nhận lãnh làn nước Bí tích rửa tội.

Họ có ngọn lửa cho tâm hồn đời sống mình.

Họ là vợ chồng cha mẹ cùng gìn giữ đốt thắp ngọn lửa đó lên thành cột lửa tình yêu cho gia đình mình.

Họ là những người cùng trong tương quan với những người khác, cùng chung đốt thắp lên cột lửa tình liên đới với nhau trong đời sống.

06- Ngoài ngọn lửa Olympia ra, lễ hội thể thao Olympia còn có năm vòng tròn vẽ treo trên lá cờ Olympia nữa với năm mầu sắc khác nhau cũng nói lên những đặc tính của Olympia: Hoà bình, Vui tươi, Khoẻ mạnh, Chân thành và Tình bằng hữu.
- Vòng mầu xanh da trời tượng trưng cho Châu đại dương hay còn gọi là Úc châu.
- Vòng mầu vàng tượng trưng cho Á châu
- Vòng mầu xanh lá cây tượng trưng cho Âu châu
- Vòng mầu đen tượng trưng cho Phi châu
- Vòng mầu đỏ tượng trưng cho Mỹ châu

Và trong tranh tài thi đấu th ể thao châm ngôn được đưa ra làm kim chỉ nam cho thành tích là citius, altius, fortius – nhanh hơn, cao hơn và mạnh hơn.

Đạo Công giáo là đạo phổ quát cho hết mọi dân tộc trên thế giới, vào hết mọi thời đại, tới mọi biên cương lằn ranh giới tuyến hình thể địa lý cũng như tâm lý tinh thần. Tình yêu thương là giáo lý căn bản của đạo Công giáo, như Chúa Giêsu đã dậy: Ngưòi ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em yêu thương nhau. Bảy phép Bí tích đạo Công giáo là nguồn ơn Chúa xuống giúp củng cố tâm hồn cuộc sống người tín hữu Chúa sống tuân giữ tình yêu thương.

07- Olympia là hội lễ thể thao ở bên Hy Lạp để tôn kính các Thần Thánh Xoi ( Zeus) của họ. Người Hy Lạp ngày xưa tổ chức hội lễ thi đấu thể thao vừa để giải trí vừa nhằm luyện tập thân xác nên tráng kiện.

Và họ không chỉ chú trọng đến thể thao đến giải trí, nhưng họ còn chú trọng đến khía cạnh đạo giáo tinh thần. Vì thế giữa các cuộc thi đấu thể thao họ dành giờ rước kiệu ca hát tôn kính các Thần Thánh của họ.

Họ đặt ra luật lệ trong suốt thời gian diễn ra các cụôc tranh tài thể thao không được gây ra chiến tranh. Các vận động viên tham dự các cuộc tranh tài phải có bộ mặt vui tươi và khi luyện tập cũng như khi thi đấu hội phải biểu lộ sự chân thành, cái đẹp cái hay của nghệ thuật không được chơi xấu. Vì thể thao là môn nghệ thuật nói lên sự dẻo dai uyển chuyển của thân xác. Và qua hội lễ thi đấu Olympia có những cuộc gặp gỡ trao đổi tạo nên tình thân hữu với nhau.

Những lễ nghi phụng vụ, nếp sống cầu nguyện, thi hành luật lệ Chúa trong Giáo Hội, có thể nói, là môn thể thao giúp luyện tập tâm hồn có đời sống lành mạnh thánh đức trước hết và sau hết để ca tụng tôn thờ Thiên Chúa, Đấng là nguồn đời sống, mọi ân phúc cho con người. Và qua đó con người cùng củng cố đời sống tình liên đới, nếp sống hòa bình giữa nhau thêm khắng khít hơn.

*****************
Bá Tước De Coubertin khi phục hồi ngành thể thao Olympia đã có suy tư làm nền tảng cho những thi đấu tranh tài của thể thao“Điều quan trọng nhất trong Olympia không phải là chiến thắng. Nhưng là cùng tham dự. Cũng như điều quan trọng nhất trong đời sống không phải là chiến thắng đọat phần thưởng. Nhưng là sự cố gắng đạt tới đích điểm. Điều quan trọng nhất không phải là chinh phục chiếm đoạt. Nhưng là chiến đấu tốt.”

Thánh Phaolô ví cuộc sống trần gian của chúng ta là một cuộc chạy đua trên vận động trường trên đường về quê hương trên trời với Thiên Chúa. Phần thưởng đạt được không phải huy chương vàng bạc hay đồng, nhưng là triều thiên chiến thắng không bao giờ hư nát, tức là đời sống hạnh phúc trên trời. ( 1 cor 9, 24-25).

Mùa lễ hội Olympia 27.07. 2012

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long