Lên đường hành hương

Con người xưa nay đều có ước vọng mong muốn có cảm nhận, kinh nghiệm sống trải qua sự gần gũi với Thiên Chúa, với Thần Thánh.

Từ ước vọng sâu thẳm của đời sống tinh thần tôn giáo đó nảy sinh tập tục nếp sống đi hành hương đến những nơi có dấu vết di tích của Thần Thánh.

1. Tập tục hành hương nơi các tôn giáo

Ngày xưa dân Do Thái có tục lệ hằng năm, mỗi người phải đi hành hương kính viếng đền thờ Giêrusalem ba lần. ( Sách Xuất hành 34,23).

Đi hành hương không phải là một cuộc du lịch tham quan thắng cảnh, nhưng mang sâu đậm ý nghĩa niềm tin tôn giáo đến với sức mạnh nhiệm mầu vượt qúa tầm trí khôn suy hiểu của con người.

Ngày xưa vào thời thượng cổ, người Hylạp và người Roma cũng đã có tập tục nếp sống đi hành hương theo ý nghĩa tôn giáo đến kính viếng đền thờ thần thánh .

Người Hồi giáo đi hành hương kính viếng đền thờ Mekka bên Ả Rập Xau-đi.

Người Ấn giáo đi hành hương đến tắm nước sống Hằng bên Ấn Độ.

Với người Phật giáo, đến với Đức Phật Thích Ca là đích điểm thánh thiêng của hành hương.

Người Công giáo hành hương đến với Chúa Giêsu, kính viếng Đức Mẹ Maria và các Thánh, ở khắp các đền thờ hành hương trên thế giới.

Từ khi đạo Công giáo được công nhận và phát triển vào thế kỷ thứ 3. sau Chúa giáng sinh, Thánh nữ Helena, mẹ của hoàng đế Constantino được kể là người thứ nhất đi hành hương sangGierusalem, nơi Chúa Giêsu đã sinh sống và chịu chết cùng sống lại. Thánh nữ sang hành hương bên đó đã cho khai quật tìm thấy những di tích thánh của Chúa Giêsu như cây thánh gía gỗ chúa Giêsu bị đóng đinh trên đó, tấm áo không đường may khâu của Chúa do quân lính bắt thăm xem ai trúng…

Và cũng từ ngày đó cao trào hành hương sang đất thánh Israel, đến những nơi Chúa Giêsu sinh ra, sinh sống, chịu chết và sống lại rất sầm uất thịnh hành.

2. Hành hương trong Công giáo

Theo nếp sống đức tin Công giáo, đi hành hương là một việc làm đạo đức, cầu nguyện ăn năn sám hối với ý hướng hy sinh đền tội, để lãnh nhận được ơn tha thứ của Chúa, ơn chữa lành những bệnh tật thân xác cũng như tâm hồn, nhất là cầu xin ơn cho ý nguyện đặc biệt của mỗi người.

Vào thời Trung Cổ, phong trào hành hương trở thành thiết yếu trong nếp sống đức tin người Công giáo. Đây là cung cách biểu lộ làm chứng về đức tin. Đi hành huơng phải vượt qua những đoạn đường dài, phải chịu nhiều hy sinh cố gắng, có khi còn trải qua nguy hiểm dọc đường nữa. Vì thế, đi hành hương cũng tựa như lời tuyên hứa khấn với Chúa, với thần thánh muốn thực hiện.

Đi hành hương không chỉ với tâm hồn cầu nguyện, mà còn cả bằng miệng lưỡi như ca hát đọc kinh, chân đi bộ đường dài, có khi qùy gối, tay giơ lên trời cao như cử chỉ cầu xin khấn khứa. Ấy là chưa nói đến tốn phí về tiền bạc cho ăn uống , cho chỗ ở và di chuyển.

Đi hành hương như thế có khác chi là tập thể thao vừa cho đời sống tâm linh, và vừa cho đời sống thân xác được mạnh khoẻ phấn khởi hăng hái. Vì đời sống con người như một dòng sông phải luôn luôn chảy không được ngưng tụ dừng lại ở một điểm khúc đoạn nào.

3. Dọc đường gío bụi

Dọc đường là tình trạng sống căn bản của đời sống con người. Đời sống luôn luôn tiếp tục tiến về phía trước, giây phút nọ tiếp nối giây phút kia, giờ nọ tiếp nối giờ kia, ngày nọ tiếp nối ngày kia, tuần lễ, tháng, năm tiếp nối nhau. Đời sống đòi hỏi phải lên đường, phải bỏ lại sau lưng, phải bắt đầu mới lại.

Thánh Augustino đã có tâm tình diễn tả đời sống con người: Trái tim tâm hồn con luôn bất an cho đến khi nghỉ yên trong Chúa!

Martin Luther, Ông tổ phụ của phong trào cải cách đạo Tin Lành, đã có suy tư về đời sống dọc đường của con người: Chúng ta là người hành khất!

Đời sống dọc đường của con người chúng ta như thế có khác chi là một đời đi hành hương. Đời sống con người là cuộc đi hành hương không phải chỉ đến nơi thánh địa có di tích thánh. Nhưng chúng ta đi hành hương biểu lộ lòng mong muốn tìm về một đời sống năng động, tìm về ý nghĩa cùng đích điểm đời sống. Lòng mong muốn đó là tìm về Thiên Chúa, Đấng là đức tin, niềm hy vọng và tình yêu của đời sống con người.

Đi hành hương củng cố lòng trông cậy vào Thiên Chúa. Vì trong cuộc sống dọc đường rất nhiều khi con người quên mất đích điểm Thiên Chúa là đời sống của mình.

Đi hành hương, nhất là trong hoàn cảnh sống đau khổ phức tạp khó khăn, và cả trong niềm vui hạnh phúc nữa, cảm nghiệm được sự gần gũi của Thiên Chúa trong đời sống mình.

*******************

Ngày nay, đi hành hương mang ý nghĩa sâu đậm mầu sắc đạo đức cá nhân cầu xin ơn đức hơn là một bổn phận phải thực hiện.

Ngày nay đi hành hương sống tâm tình niềm hy vọng cậy trông vào lòng nhân lành của Chúa hơn là việc làm chịu đựng hy sinh.

Ngày nay đi hành hương tuy vẫn là đến với Chúa, với Đức Mẹ trong ý hướng đạo đức cầu nguyện, nhưng con người cũng muốn tìm hiểu về lịch sử địa lý, cùng nguồn gốc di tích thánh nơi đó thế nào.

Ngày nay đi hành hương không còn thịnh hành như thời Trung Cổ, hay như trước đây gần một thế kỷ. Nhưng những nơi thánh địa hành hương như Đức Mẹ Fatima, Đức Mẹ Lộ đức, Đền thánh Giacobe bên Campostella Tây ban Nha, Đức Mẹ Banneux, hay những nơi thánh địa mới bên Medjugorie, Đức mẹ Lavang bên Việt Nam…hằng tháng, hằng năm vẫn thu hút hằng trăm ngàn người đến kính viếng khấn nguyện xin ơn trợ giúp cho đời sống dọc đường hành khất của mình.

Kỷ niệm hành hương thánh địa Đức Mẹ Banneux, ngày 13.05.2012

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long