Tin cậy vào lòng thương xót Chúa

Trong thánh lễ ngày Chúa Nhật lễ Lá và ngày thứ Sáu Tuần Thánh, bài thương khó về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, được đọc vào chỗ công bố tin mừng, muốn nhắc nhớ lại những biến cố đau thương sau cùng đời Chúa Giêsu ở trần gian.

Những biến cố đó, dưới con mắt của con người chúng ta, thật là đau thương nhục nhã, vô nhân đạo. Nhưng trong con mắt đức tin lại là sự hy sinh ẩn chứa ơn cứu chuộc của Thiên Chúa cho tội lỗi con người.

Đọc ôn nhớ lại biến cố đau thương lịch sử đời Chúa Giêsu cho ơn cứu độ của con người là điều tốt, giúp tĩnh tâm suy nghĩ về nguồn gốc nền tảng đức tin của mình. Chúng ta không chỉ đọc với lòng thành kính ngậm ngùi cùng biết ơn, nhưng còn muốn tìm rút ra bài học hay chút ánh sáng như gương mẫu cho đời sống đạo đức nữa.

Chúa Giêsu luôn luôn là ánh sáng gương mẫu trước hết và trên hết cho đời sống tâm linh đạo đức. Nhưng những nhân vật là nhân chứng trong biến cố lịch sử thương khó của Chúa, qua cung cách xử sự của họ, cũng giúp ta phần nào rút tỉa ra bài học đạo đức được

Hai nhân vật trong số 12 môn đệ Chúa Giêsu, luôn đi theo sát cùng được nói đến trong những ngày xảy biến cố thương khó cho đời Chúa Giêsu: Ông Phero và Ông Giuda Iscariot.

Hai Ông được kể nhắc đến trong lịch sử thương khó của Chúa Giêsu với hai khía cạnh: Hai Ông đều phản bội Chúa Giêsu Thầy mình. Nhưng mỗi ông lại có cách sống chịu trách nhiệm việc mình làm khác nhau.

Dòng nước mắt của Phero

Ông Phero được Chúa Giêsu chọn làm Môn đệ và còn cắt cử là Trưởng nhóm môn đệ của Ngài, được Chúa trao cho quyền cùng nhiệm vụ đứng đầu Hội Thánh Chúa ở trần gian. Nhưng giờ phút chót đau thương của Chúa Giêsu, thầy mình, Ông đã phản bội chối thầy mình ba lần: “Tôi không biết người ấy là ai!” ( Mc 14,66-70).

Ông phản bội chối Thầy mình, chối Chúa. Nhưng Ông chịu trách nhiệm về hành vi phản bội của mình. Ông không đổ lỗi cho ai hay nêu ra lý do nào để chạy tội. Ông thú nhận tội của mình và ăn năn thống hối, xin Chúa tha thứ: “Ông òa lên khóc” ( Mc 14,72)

Dòng nước mắt ăn năn thống hối của Ông phát ra từ trái tim tâm hồn, do hiệu qủa của lời Chúa đã nói với Ông: “Anh đã chối phản bội Ta ba lần”. Như thế, có thể nói, đó là dòng nước mắt của người có lòng ngay thẳng chân thật, dù làm điều sai trái lỗi phạm, nhưng luôn nhớ đến lời căn dặn răn khuyên của cha mẹ, của thầy dậy mình.

Dòng nước mắt ăn năn thống hối của Ông là dòng nước mắt niềm hy vọng. Làm điều tội lỗi phản bội, nhưng không buông xuôi đầu hàng, tin chắc rằng. Ông tin rằng, không có tội lỗi nào nặng đến nỗi Thiên Chúa không thể tha thứ cho.

Dòng nước mắt ăn năn thống hối của Ông nói lên một đức tin sâu xa: Không có sự phản bội Thiên Chúa nào có có thể to, đến nỗi lòng thương xót Chúa không lớn hơn điều đó được.

Dòng nước mắt ăn năn thống hối của Ông diễn tả một tâm trạng sống của một người lấy ý chí lòng tin tưởng đứng chỗi dậy vươn lên: không có sự phản bội nào làm cho nhục nhã mắc cở phải chìm xuống biến mất, đến nỗi phải sống trong hoài nghi bối rối.

Ông Phero phản bội chối bỏ Thầy mình. Nhưng ánh mắt của Chúa Giêsu chiếu quay sang nhìn Ông. Ông nhận ra lỗi phạm của mình ngay và ăn năn thống hối. ( Lc 22,61).

Bước chân của Giuda và của Phero

Giuda và Phero cả hai đều là Môn đệ do chúa Giêsu tuyển chọn giáo dục đào tạo. Nhưng Giuda thì khác, Chúa Giêsu cũng nhìn Giuda, lại còn ôm hôn Ông trong tình thầy trò cha con nồng thắm. Nhưng Giuda quay mặt vội vã bước đi và treo cổ tự tử. ( Mt 27,5).

Cả hai đều phản bội Thầy Giêsu của mình. Cả hai đều nhận ra tội lỗi phản bội đã làm. Cả hai đều nhận được tình yêu thương của Chúa Giêsu ban cho. Nhưng cách sống chịu trách nhiệm khác nhau: Ông Phero tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa. Còn Giuda thì không.

Giuda nhận ra tội lỗi của mình đã vấp phạm. Nhưng ông đã buông xuôi, đã đánh mất niềm hy vọng trong đời sống. Ông đã không tin tưởng vào sự tha thứ của Chúa, cùng tin rằng Chúa không trao tặng sự tha thứ cho mình nữa. Ông sống lún sâu trong hoài nghi bối rối.

Thay vì ăn năn thống hối chân thành, Giuda đã tự cảm thương mình. Điều này dẫn đến sự tự cao tự đại, tìm cách tự giảỉ quyết lấy cho riêng mình. Hậu qủa gây ra là mất tất cả.

Có lẽ trong hoàn cảnh phạm tội phản bội Thầy mình, Ông Phero cũng đã nghĩ như Giuda là chỉ muốn chết đi cho rồi. Nhưng khác với Giuda, Phero đã không làm như mình nghĩ.

Giuda đã không còn niềm hy vọng cậy trông nên đã tìm cái chết. Còn Ông Phero không tuyệt vọng. Ông hy vọng tin tưởng vào sự khoan dung tha thứ của Chúa.

Giuda đã tự cao tự đại tự tìm giải quyết cho đời mình. Còn Phero thì không, ông sống lòng khiêm nhượng. Vì Ông Phero tin rằng đời sống mình không do mình làm tạo ra, nhưng do Chúa tạo thành. Mình luôn luôn là người đón nhận từ nơi Thiên Chúa.

Tin tưởng cậy trông vào lòng thương xót Chúa

Trong dòng lịch sử nhân lại như trong Kinh Thánh thuật lại, luôn luôn xảy ra sự tội lỗi phản bội của con người đối với Thiên Chúa, và sự kết liễu cung cách sống do việc phản bội gây ra cũng khác nhau.

Như Cain giết em mình là Abel; Vua David đã giết Uria vì muốn lấy vợ của Uria.

Cain thấy tội của mình qúa lớn và cho rằng không thể tha thứ được, Ông sống trong hoài nghi bối rối, sợ hãi muốn sống lẩn trốn. Cain sống trong đau khổ hoài nghi tất cả.

Còn Vua David trái lại, đặt tin tưởng vào lòng nhân lành Chúa. Nhà vua nhận mình có tội và kêu cầu ơn tha thứ của Chúa. Nhà vua đã trở thành một vị Thánh.

Trên đồi Golgotha, hai tên tội phạm ăn cướp cùng bị đóng đinh vào thập gía với Chúa Giêsu. Một người nguyền rủa và hoài nghi tất cả. Một người khác thì cầu xin Chúa Giêsu sự tha thứ: Lạy Ngài Giêsu, xin thương nhớ đến tôi trong nước của Ngài.” ( Lc 23,42) và anh ta được Chúa hứa cho ơn cứu độ trên thiên đàng.

***********
Ông Phero đã nhận được ơn tha thứ của Chúa, dù Ông phạm tội phản bội Chúa. Vì Ông đã sống lòng khiêm nhượng tin tưởng vào lòng nhân lành Chúa.

Ông Phero đã nhận biết, ông không thể tự tha thứ cho mình. Nhưng do ân đức của Chúa trao tặng ban cho Ông qua sự hy sinh đau khổ của Ngài.

Lòng thương xót của Chúa trải rộng ban cho những ai sống lòng khiêm nhượng tin tưởng vào Ngài cho đời sống trên trần gian hôm nay, cũng như cho mai sau bên kia đời sống trần gian.

Tuần Thánh 2011

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long