Người chỉ đường

Khi đi đến nơi nào chưa quen biết hay tìm đường địa chỉ khó, nhất là vào ban đêm tối trời, hoặc ta dùng máy chỉ đường (Navigation), hay tìm trên bản đồ, hay hỏi người đi đường để tìm biết đường lối đi cho đúng.

Khi ra nhà trạm xe lửa hay phi trường, ta nhìn trên bảng chỉ giờ số xe, máy bay nào đi về đâu. Rồi theo đó mà biết chuyến nào mình đi.

Trên đường ra trạm xe, trạm máy bay, dù có bảng mũi tên chỉ lối, nhưng nhiều khi, nhất là với những người lạ, hay có nhiều ngả chỉ, làm họ lúng túng không sao nhận tìm ra lối đi đúng hướng. Lúc đó chúng ta thường hỏi người có phận sự mặc y phục, nhân viên phi trường hoặc cảnh sát, đang đứng đâu đó nhờ chỉ hướng dẫn lối cho đi đúng đường.

Trong đời sống ở gia đình cũng tương tự như vậy, con cái lúc còn thơ bé, còn trẻ cậy nhờ cha mẹ là người chỉ đường dẫn lối cho đi. Cha mẹ không chỉ là người chỉ đường cho con cháu mình đi đến trường học, đến nhà thờ, đến chợ mua sắm, đến nơi giải trí…nhưng còn quan trọng hơn thế nữa, họ chỉ đường cho con cháu sống nên người.

Con đường đời sống có nhiều ngả lối đi. Cha mẹ là những người sống đi trước, họ đã trải qua và biết ngả lối đường nào tốt đẹp, hữu ích cho đời sống. Kinh nghiệm đời sống và lòng yêu thương của cha mẹ là lời, là tấm bảng chỉ đường cho con cháu mình.

Từ cách cầm đũa bát, cầm muỗm nĩa, gắp thức ăn và cơm bánh, cách mặc quần áo, tắm rửa giữ vệ sinh, rửa bát quyét dọn nhà cửa, cho tới lời ăn tiếng nói chào hỏi, đọc kinh, chọn con đường sống…con cháu đều cần được cha mẹ hướng dẫn chỉ bảo.

Lẽ dĩ nhiên như ngày nay có những văn phòng cố vấn chuyên môn hướng dẫn. Nhưng nhìn xét cho cùng cha mẹ bao giờ cũng vẫn là người chỉ đường dạy dỗ đầu tiên, cặn kẽ cùng chan chứa tình người hơn, tuy cha mẹ không là người chuyên môn về nhiều lãnh vực như nghề nghiệp…

Chỉ đường lối đi đúng đường là điều cần thiết. Khi đã biết hướng đi, con cháu phải tự sống đời sống mình, cha mẹ không sống thay cho họ được.

Con người chúng ta không chỉ tìm địa điểm nơi chốn muốn đến, hay người mình yêu thích mong đợi, nhưng còn đi tìm nhiều hơn nữa: sự thành công, hạnh phúc, cộng đoàn xã hội, và ý nghĩa đời sống.

Từ khi Ông Bà Adong Evà bị Thiên Chúa đuổi ra khỏi khung cảnh sống bình an hạnh phục vườn địa đàng, con người luôn luôn đi tìm hướng con đường sống bình an. Chính vì thế, Thiên Chúa đã sai Chúa Giêsu, con của Ngài xuống trần gian chỉ đường dẫn lối cho con người tìm đến đời sống bình an.

Ông Thánh Gioan đã nhận ra Chúa Giêsu với sứ mạng chỉ đường, nên khi thấy Chúa Giêsu, Ông đã chỉ giới thiệu Chúa Giêsu là người chỉ đường cho mọi người: Đây là chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian“

Con chiên cừu là con vật đóng vai trò quan trọng trong niềm tin đạo Do Thái. Chiên cừu là con vật dùng làm lễ tế đền tội. Hằng năm ngày lễ đền tội giao hòa, Thầy Cả thượng phẩm đạo Do Thái bắt một con chiên đại diện toàn dân đặt tay trên nó, chất chứa tất cả mọi tội lỗi của toàn dân trên nó, và đuổi nó chạy vào trong sa mạc để nó chết trong đó mang theo tội lỗi của mọi người.

Chúa Giêsu là „chiên Thiên Chúa“ đã chịu chết trên thập gía gánh chịu đền tội cho mọi người, nên từ đó không cần đến con chiên cừu nào nữa phải hy sinh bị đuổi vào trong sa mạc.

Ông Thánh Gioan tẩy gỉa đã đưa ngón tay của mình chỉ cho chúng ta tìm đến ý nghĩa đời sống: qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa tha thứ mọi tội lỗi của con người và dẫn vào đường hướng về trời cao.

Như Ông Thánh Gioan tẩy gỉa, Gíao Hội cùng cha mẹ trong gia đình qua dậy dỗ giáo dục là người chỉ đường cho con người tìm đến Chúa Giêsu.

Và như thế giúp tìm đến nguồn ý nghĩa đời sống cho hôm nay và ngày mai: Với Chúa Giêsu tìm thấy đường hường về trời cao.

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long