Lời chào mừng

Khi đến thăm ai, hay ai đến thăm nhà mình, khách cũng như chủ nhà đều trao cho nhau lời chào mừng. Đây là lễ phép lịch sự ở đời. Và còn hơn thế nữa, đó còn là cung cách bày tỏ lòng yêu mến mừng rỡ kính trọng nhau phát xuất từ trong tâm hồn.

Trong Thánh lễ Misa, vị chủ lễ tế cũng chào mừng Cộng đoàn dâng lễ tế tạ ơn mừng kính Thiên Chúa: „ Chúa ở cùng Anh Chị Em.“

Lời chào mừng này không chỉ mang tính cách lịch sự, cùng lòng vui mừng, mà còn biểu lộ sâu đậm tâm tình lòng đạo đức. Vì lời chào mừng của vị chủ tế trong Thánh lễ không phải chỉ là một công thức lễ nghi Phụng vụ của Giáo Hội. Nhưng lời chào này là lời của Thiên Thần Gabriel, sứ giả của Thiên Chúa, chào mừng Đức mẹ Maria, khi Thiên Thần hiện đến truyền tin cho Đức Mẹ ở Nazareth: „ Mừng vui lên, hỡi Maria đầy ân phúc. Thiên Chúa ở cùng Bà!“ ( Lc 1, 27 )

Lời chào mừng bắt đầu cuộc thăm viếng gặp gỡ nhau. Lời chào mừng khởi đầu nghi lễ cả trong tôn giáo, cũng như trong xã giao ngoài xã hội từ cấp hội đoàn nhóm nhỏ cho tới cấp lớn hơn như tỉnh thành, quốc gia đất nước…

Lời chào mừng như thế khác nào chiếc chìa khóa mở cánh cổng, mở cánh cửa đi vào bên trong căn nhà, căn biệt thự.

Chiếc chìa khóa không phải chỉ là một miếng sắt hay đồng khắc chạm theo khuôn mẫu với những đường răng cưa, đường ranh khắc chạm cho hợp vừa với ổ khóa. Nhưng chiếc chìa khóa còn mang ý nghĩa tinh thần nữa: mở ra và đóng khóa lại.

Theo người Nhật Bản, chìa khóa là biểu trưng sự hạnh phúc. Vì với chìa khóa người ta mở cửa kho lúa gạo lương thực cho đời sống. Và như thế, theo nghĩa bóng tinh thần, chìa khóa mở cửa kho tàng còn ẩn dấu nhiều điều chứa đựng trong đó.

Thời Trung cổ, lễ nghi trao chìa khóa mang ý nghĩa biểu trưng trao quyền hành để hành xử theo phạm vi luật pháp.

Theo quan niệm dân gian thời cổ xưa, chìa khóa là hình ảnh sự giữ yên lặng. Vì trên mép rìa chiếc chìa khóa có khắc hình Adyton căn phòng khóa kín Cella trong đền thờ cổ thờ thần của Hylạp thời xưa, vừa nhắc tới bổn phận giữ yên lặng và vừa hứa mở ra nhiều bí ẩn chưa được khai mở ra.

Trong truyện thơ thần thoại Ödipus của Sophokles nói đến „ chiếc chìa khóa vàng“ khi ca đoàn hát đến khúc đoạn nói về những bí ẩn của Eleusis.

Cũng theo một truyện thần thoại xa xưa, Vị nữ tư tế Ceres luôn mang theo mình chiếc chìa khóa như hình ảnh tượng trưng cho chức vị của mình. Và trong những bí ẩn của Isis, chiếc chìa khóa là hình ảnh mang ý nghĩa sự khai mở ra trái tim tâm hồn và lương tâm thầm kín trước 42 vị đứng bên cạnh người đã qua đời!

Chúa Giêsu trao cho Thánh Phero chiếc chìa khóa thiêng liêng đạo giáo tượng trưng quyền bính để cởi mở và trói buộc đóng lại. Hình ảnh chiếc chìa khóa này in khắc trên huy hiệu của Đức Giáo Hoàng Roma.

Trong một lễ nghi khai mạc sứ vụ cha sở mới cho một Linh mục, vị đại diện Đức giám mục, đã trao cho cha sở mới chiếc chìa khóa nhà thờ xứ đạo với ý nghĩa lời nhắn nhủ: chiếc chìa khóa này không phải chỉ để mở cửa, đóng khóa cửa nhà thờ. Nhưng chiếc chìa khóa này còn là hình ảnh chiếc chìa khóa nhà Thiên Chúa để cho trái tim tâm hồn con người qua lời chào mừng thăm hỏi, gặp gỡ cởi mở với mọi người. Chúa Giêsu Kitô là chiếc chìa khóa chung mở ra mọi cánh cửa đời sống cho con người.

Với lời chào mừng của Thiên Thần với Đức Mẹ Maria: „ Mừng vui lên, hỡi Maria đầy ân phúc. Thiên Chúa ở cùng Bà!“ ( Lc 1, 27 ) , chiếc chìa khóa chung là Chúa Giêsu đã đi vào trần gian, mở ra cánh cửa khai thông con đường ơn cứu độ cho đời sống con người khỏi vòng liên lụy của tội nguyên tổ Adong Evà khi xưa.

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long