Giữa những ràng buộc

Trong đời sống xưa nay luôn có những ràng buộc. Những ràng buộc giúp xây dựng đời sống trở nên phong phú tốt đẹp. Nhưng cũng không có ít những suy nghĩ phức tạp có khi lo âu hoài nghi nữa.

Một trong những lo nghĩ hoài nghi đó là giữa hai lằn ranh của cải vật chất và tinh thần.

Sống trong cộng đoàn xã hội đạo đời vừa phải lo cuộc sống vật chất kiếm miếng cơm manh áo cho bản thân cho gia đình, lại vừa có nhiệm vụ tinh thần đạo gíao nữa; vừa có bổn phận với xã hội nhỏ thu hẹp gia đình, lại vừa có bổn phận đóng góp xây dựng cộng đoàn xã hội lớn hơn như xứ đạo, đất nước, Giáo Hội; vừa phải sống hai chân đi trên mặt đất, vừa phải hướng tâm trí tinh thần lên cao.…

Xưa nay trong đời sống, khát vọng của con người lo đi tìm kiếm làm ăn nuôi sống gắn liền với đời sống con người, như Thiên Chúa đã nói với Ông Adong: „ Ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra“ ( St 3,17).

Đây là điều rất lạ lùng ngạc nhiên. Vì dù Thiên Chúa nói như vậy, có vẻ một kết án nặng nề cho con người. Nhưng con người vẫn có khả năng sáng tạo vượt thắng những cực nhọc do đất sinh ra, vào mọi thời đại xưa nay. Như dân gian có thành ngữ „ Trời sinh voi, Trời sinh cỏ!“

Đây là điều khi lớn lên bước chân vào đời sống làm ăn, hầu như ai cũng không biết trước sẽ phải làm ăn làm sao. Nhưng trong dòng đời sống con người vẫn có đủ sức khoẻ tinh thần lẫn thân xác phát triển lớn lên với những công việc đòi hỏi phải làm. Như trong dân gian có tin tưởng:“ Mình lo Chúa liệu“

Đây là điều có thể hoài nghi đưa ra những dự đoán có thể nguồn tài nguyên thiên sẽ cạn kiệt, sức lực con người không thể nào làm nổi…Nhưng trong hoài nghi đó con người lại phát minh tìm ra kho tàng mới khác lạ còn ẩn chứa trong thiên nhiên. Như có suy tư về nguồn sáng tạo thiên nhiên của Thiên Chúa trong vũ trụ.: „Có một sự khác biệt trời vực giữa sáng tạo của Thiên Chúa và sự sáng tạo của con người, trên phương diện nội tại sáng tạo của Thiên Chúa là sáng tạo sống động. Sáng tạo này phát sinh sáng tạo khác, muôn ngàn đời vẫn mới.“ ( Lm Vũ xuân Huyên)

Với con người thì như vậy. Nhưng với những loài sinh động vật trong thiên nhiên cũng không khác gì hơn. Chúng cũng phải lo tìm kiếm lo cho đời sống mình, lo cho nòi giống mình được tiếp tục sinh sản nối tiếp tồn tại. Và chúng cũng có những khả năng được thiên nhiên tạo dựng phú bẩm ban cho.

Nhưng đâu là ý nghĩa chỗ đứng của của cải vật chất trong đời sống?

Có nhiều suy nghĩ khác nhau trong lãnh vực này tùy theo tâm tính tầm nhìn hiểu biết của mỗi người. Nhưng điều khôn ngoan thông thường trong dân gian xưa nay để lại:

Của cải vật chất cần thiết cho đời sống, nhưng không là mục đích của đời sống. Vẫn biết „tiền bạc của cải không phải là tất cả, nhưng không có tiền bạc của cải vật chất không làm được gì cả! Và con người xưa nay đã có kinh nghiệm khôn ngoan trong đời sống„ con người làm ra của cải, chứ của cải không làm ra con người!“

Của cải tiền bạc vật chất, người lớn trưởng thành ai cũng biết, không là chủ, nhưng chỉ là phương tiện cho đời sống: “ Tiền bạc, nếu ta để lên đầu, nó sẽ làm tối mắt ta. Nếu ta để dưới chân, nó sẽ giúp ta đi được rất xa” ( Lm Vũ xuân Huyên).

Chúa Giêsu cũng đã có tâm tình nhắn nhủ: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được. " ( Mt 6,24)

Điều gì cần cho đời sống?

Phil Bosmans, một linh mục Dòng người Bỉ, có suy tư .

„ Những điều thiết yếu cho đời sống đều là qùa tặng ban cho nhưng không.
Cung lòng người mẹ.
Tiếng hát ru con của người mẹ.
Mặt trời và tình bạn.
Chỗ ngồi cùng bàn và sự tiếp đón nồng thắm.
Ánh sáng mùa xuân.
Nụ cười của một em bé.
Tiếng chim hót trong không gian.
Tiếng tí tách rúc rích của dòng nước chảy trong khe suối
Chất nhựa mủ của cây cối.
Lớp sóng nước vươn cao ngoài đại dương.
Ban ngày và ban đêm.
Bình tĩnh và yên lặng.
Bảy ngày trong tuần
Sự sống và sự chết.
Đời sống con người trên mặt đất.”
(Phil Bosmans, Liebe wirkt täglich Wunder)

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long