Chúa Giêsu, người bạn của sự sống.

Tham dự lễ an táng nào chúng ta cũng đều chứng kiến nỗi đau buồn, nghe nhìn tận mắt lòng thổn thức nghẹn ngào, dòng nước mắt của thân nhân người qúa cố. Và ngay cả chính mình cũng cảm động nghẹn ngào không cầm được nước mắt trước cảnh đau buồn chia ly với người qúa cố.

Đó là đời sống của con người với nhau trong xã hội. Và là điều thể hiện mối dây tương quan tình nghĩa con người với nhau về thể xác cũng như tinh thần cùng lòng thiêng liêng đạo đức.

Ai chúng ta trong đời sống cũng đều đã nhiều lần khóc không ngăn được dòng nước mắt nghẹn ngào chảy phát từ đôi mắt lăn tràn trên đôi gò má.

Nước mắt là hình ảnh biểu lộ tâm tình tư tưởng, lòng thổn thức cảm động từ tận trong trái tim tâm hồn trào ra bên ngoài.

Nước mắt là ngôn ngữ của tâm hồn truyền đi tín hiệu điều ta cảm nhận thấy, điều làm ta cảm động mủi lòng.

Nước mắt biểu lộ niềm vui mừng sung sướng cùng sự nhẹ nhàng khoan khoái như bỗng chốc thoát khỏi điều bấy lâu hằng lo nghĩ mong chờ.

Nhưng nước mắt cũng nói lên sự gì đau buồn đã mất mát, sự đau khổ muộn phiền và cả sự thương nhớ chia lìa với người đã qúa cố.

Phúc âm thuật lại: „Khi thấy Marta khóc nức nở và những người Do-thái theo chị cũng khóc, Chúa Giêsu thổn thức và xúc động. Người hỏi: "Đã an táng Ladarô ở đâu?" Họ thưa: "Thưa Thầy, xin đến mà xem". Chúa Giêsu rơi lệ.“ ( Ga 11, 33-36)

Chúa Giêsu khóc vì người bạn Lazaro đã chết. Dòng nước mắt của Chúa Giêsu là tín hiệu sự thông cảm chia buồn với thân nhân của Lazaro.

Chúa Giêsu không ngăn cầm được nước mắt lòng thổn thức trước nấm mồ người qúa cố. Thân nhân người qúa cố cũng như những người chung quanh đến chia buồn nhận ra tín hiệu của Chúa qua dòng nước mắt thổn thức của ngài: Trong giờ phút đau buồn mất mát chia ly này, tôi ở bên các Bạn. Nỗi đau buồn phiền muộn của các Bạn cũng là sự đau buồn của tôi. Tôi đọc và hiểu được dòng nứơc mắt đau buồn khổ đau của các Bạn. Vì thế tôi cùng khóc than với các Bạn. Trong mọi hoàn cảnh đời sống vui cũng như đau buồn, tôi cùng sống tình liên kết tương quan với các Bạn…Và tôi còn muốn làm hơn thế nữa để bày tỏ tình yêu lớn lao của tôi cho các Bạn. Đó là tôi hằng mong muốn sự sống cho mọi người!

Và vì thế Chúa Giêsu đã làm phép lạ gọi Lazaro đã chết bị chôn vùi ra khỏi nấm mồ và cho sống lại với mọi người.

Với phép lạ cho Lazaro đã chết được sống lại, Chúa Giêsu muốn nói cho mọi người: Thiên Chúa mạnh hơn sự chết.

Như Lazaro, tất cả những ai đặt lòng tin tưởng nới Thiên Chúa cũng sẽ được cứu độ khỏi chết, được đánh thức gọi đi vào sự sống mới không phải chết nữa.

Đây là hình ảnh báo trứơc Chúa Giêsu sống lại, dù ngài đã chết cùng bị chôn vùi trong nấm mồ dưới lòng đất đá ba ngày.

Phép lạ sống lại của Lazaro và của Chúa Giêsu báo cho chúng ta sứ điệp: Trong Chúa Giêsu, con người chúng ta nhận được sức mạnh ban sự sống của Thiên Chúa. Sức mạnh quyền năng ban sự sống của Thiên Chúa bài trừ những lo âu, sợ hãi khốn khó, sự đau khổ buồn phiền trong cuộc sống trên trần gian. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã nói: "Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. „ ( Ga 11, 26).

Chúa Giêsu đã thông cảm nỗi đau khổ của thân nhân Lazaro, nên Ngài đã làm phép lạ cho sống lại. Qua đó Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ con người rằng, ngài là người bạn của sự sống.

Và Ngài cũng muốn mọi người chúng ta có được sự sống hạnh phúc vĩnh cử bên Thiên Chúa trên trời. Vì thế Ngài đã dấn thân hy sinh cứu chuộc con người khỏi hình phạt tội lỗi, để họ được cùng sống lại với Người mai sau.

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long