Ánh mắt đời sống

Ngày cuối cùng năm Canh Dần, ngày Giao Thừa 30. tháng Chạp, trùng vào ngày 02.02.2011. Theo lịch Phụng vụ của Giáo Hội ngày này lễ mừng kính Đức Mẹ Maria dâng Chúa Giêsu vào đền thánh. Ngày Lễ mừng này theo tập tục truyền thống đạo đức của Giáo Hội cũng là ngày lễ Nến.

Người Việt Nam chúng ta theo truyền thống tập tục văn hóa, vào ngày cuối năm âm lịch dành thời giờ tụ họp gia đình, đồng thời suy nghĩ chiếu ánh mắt nhìn lại thời giờ năm cũ Canh Dần đã sống như thế nào.

Và bước sang năm mới Tân Mão hướng ánh mắt niềm vui mừng hy vọng với nhiều dự định mong muốn đạt tới cho đời sống riêng tư cũng như cho gia đình trong thời gian tương lai.

Ánh mắt niềm hy vọng đợi trông vào thời gian tương lai chiếu tỏa niềm vui mừng hạnh phúc, và tuy thế cũng ẩn chứa chút hồi hộp tư lự.

Có thể hiểu suy diễn hay diễn tả ánh mắt đời sống nhân ngày lễ Nến, cùng dịp đón mùa Xuân mới đang đến như thế nào?

1. Ánh mắt của con mèo

Theo cách tính phân chia cùng đặt tên cho mỗi năm, năm mới đang đến có con Mèo đứng vào vị trí chủ trì cho cả năm. Vì thế năm mới âm lịch có tên Tân Mão theo kiểu nói văn chương tiếng Hán Việt.

Mèo là loài thú vật thường ban ngày ngủ hay sống trong nơi khuất kín bóng tối. Nhưng ban đêm trời tối, lại thức canh săn bắt mồi rất tỉnh táo. Mèo có đôi tai thính nhậy, bắt được làn sóng rất cao mà tai thường của con người không bắt được. Mắt của Mèo rất sáng, nhìn ban đêm rất sáng rõ tinh tường. Ánh mắt của mèo như thôi miên định hướng vật thể con mồi rất chính xác.

Có lẽ vì thế mà người ta gọi tấm bảng nhỏ gắn ở mặt đường hay cột trụ dọc đường vào ban đêm chiếu tỏa ánh sáng mầu vàng hay trắng sáng rực để chỉ hàng lối cho xe chạy đúng mép lề ranh của đường, là „ mắt mèo.“

Ánh mắt của mèo soi tới đâu liền có luồng tia phản xạ chiếu ngược trở lại cho bộ óc não thần kinh của nó, để phân tích nhận định nhanh lẹ tức khắc hầu kịp có phản ứng.

2. Ánh mắt ngày Lễ Nến

Tiên Tri Simeon khi thấy Đức Mẹ bồng ẵm Chúa Giêsu vào đền thờ, ngày Lễ Nến, Ông liền đến gặp gỡ khách qúy trong sự trông mong chờ đợi. Và Ông đã đưa ánh mắt niềm hân hoan chiếu thẳng vào trẻ Giêsu. Ánh mắt đời sống của ông như xuất thần nhìn thấy một tương lai đang mở ra. Ông nói lên tâm tư đã bấy lâu nay hằng mong ước cầu xin:

„ Chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ Chúa dành sẵn cho muôn dân.

Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel dân Ngài“ ( Lc 2,30-32).

Đây là tâm tình vừa tạ ơn, vừa loan báo một tương lai tươi sáng mới đang mở ra cho mọi người trong ánh mắt tràn đầy niềm tin tưởng vào Chúa.

Rồi ánh mắt của Ông chiếu tới đức mẹ Maria, như nhận ra cùng thông cảm với đời sống mẹ Chúa Giêsu, Ông nói ra ngay: „ Còn chính Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua tâm hồn Bà“

( Lc 35) .

Đây là một lời loan báo trước với niềm hồi hộp tư lự pha lẫn niềm cảm thương đau xót của ánh mắt đã trải qua nhiều kinh nghiệm biến chuyển thăng trầm trong đời sống.

Ánh mắt của Ông Simeon không hẳn chỉ là ánh mắt của một đôi mắt thường tinh tế, nhưng là ánh mắt của lòng tin.

Ánh mắt của Ông, có lẽ một phần nào giống như ánh mắt con mèo, bắt gặp rồi phân tích nhận định đối tượng. Nhưng còn hơn thế nữa, ánh mắt của Ông nhìn chiếu vào vùng tâm linh sâu kín của tâm hồn con người.

Ánh mắt này là ánh mắt của niềm tin. Sự nhận định phân tích không dựa cùng dừng lại nơi chính đối tượng, nhưng hướng tới bước đường xa hơn của đối tượng đạt vươn tới.

Ánh mắt đức tin của Ông hướng nhìn vào chốn cõi linh thiêng mầu nhiệm thánh thiêng.

3. Ánh mắt của lòng tin

Ánh mắt của con người chỉ có thể nhìn được những tế bào nhất định còn non yếu nơi đôi mắt em bé sơ sinh, cho mục đích phân tích y khoa chữa bệnh.

Trái lại ánh mắt đức tin nhìn nhiều hơn và sâu thẳm hơn nhiều. Ngay từ khi em bé mới chào đời ánh mắt đức tin đã nhìn nhận ra nhân phẩm gía trị đời em bé, và tìm cách bảo vệ nhân phẩm đời sống em.

Ánh mắt của con người muốn nhìn và phê phán nhận định, nhưng con người lại bị những thúc đẩy lôi kéo của môi trường ngoại cảnh. Vì thế ánh mắt nhìn của con người hay bị giới hạn, bị thiên lệch không đúng.

Trái lại, ánh mắt đức tin có thể nhìn rõ hơn và phê phán nhân định sâu kỹ hơn về con người là một tạo vật do Thiên Chúa tạo dựng ban cho có tự do, điều mà không ai có thể tước đoạt đi được.

Ánh mắt của con người nhìn phân tích đối tượng theo chiều ý nghĩa cảm quan thích thú tiêu thụ.

Trái lại ánh mắt của niềm tin nhìn đối tượng sâu xa hơn, theo ý nghĩa chịu trách nhiệm trong môi trường thế giới tiêu thụ. Chúng ta được mua sắm những vật thể đối tượng sự vật bày biện chào mời, nhưng không phải muốn tất cả mọi thứ, mà chỉ những thứ cần dùng sinh ích lợi cho đời sống.

Ánh mắt con người nhìn cùng phân tích đánh gía đối tượng theo bản năng tự nhiên, theo ý mục đích của mình nhiều hơn.

Trái lại ánh mắt của niềm tin nhìn khác hơn, sâu sắc và nhận định phê phán kỹ khác hơn, trong tương quan phục vụ công ích con người, theo tiêu chuẩn con đường công bình bác ái, và nhất là trong tương quan bảo vệ công trình thiên nhiên do Thiên Chúa tạo dựng ban cho con người cùng mọi loài sinh sống trong công trình đó.

***************************

Mỗi người là một tác phẩm công trình do Thiên Chúa tạo dựng nên. Tác phẩm công trình đó có một không hai bao gồm thân xác và trí tuệ tinh thần, nhất là khả năng nhìn phân biệt những điều sâu thẳm nội tâm ẩn chứa nơi đối tượng sự vật.

Khả năng ánh mắt nhìn đó tỏ hiện nơi một em bé biết nhìn nhận ra tình yêu thương của cha mẹ em nơi nụ cười, nơi bàn tay sự săn sóc của cha mẹ, hơn là nơi chiếc áo đẹp, nơi đồ chơi mới lạ.

Khả năng ánh mắt nhìn đó là sự nhậy cảm của cha mẹ nhận ra nhu cầu no đói, bệnh tật, buồn vui, yêu thương an ủi mong muốn nơi con cái mình.

Khả năng ánh mắt nhìn đó là lòng hiếu thảo biết ơn của con người với người làm ơn cho đời sống mình.

Khả năng ánh mắt nhìn đó là lòng trắc ẩn từ tâm tình bác ái với những người vướng gặp hoàn cảnh đau khổ hoạn nạn.

Khả năng ánh mắt nhìn đó là chân nhận đời sống con người của mình có giới hạn, nhưng đầy lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nuôi dưỡng đời sống mình, luôn hằng đồng hành cùng đi với trong dòng thời gian năm cũ cũng như năm mới.

Mừng mùa Xuân Tân Mão 2011

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long