Mẩu đối thoại về niềm tin

Ba Bạn trẻ cùng lứa tuổi học chung một trường, vào năm cuối cùng bậc trung học. Họ nói chuyện với nhau về niềm tin đạo giáo. Họ, tuy có niềm tin đạo công giáo, nhưng giữ trong tâm hồn nhiều hơn sống thực hành ra bên ngoài. Họ nhìn những diễn biến xảy ra trong cuộc sống, không dưới lăng kính niềm tin đạo giáo, nhưng đượm mầu sắc suy tư thắc mắc nhiều hơn. Dẫu vậy, họ cùng có tâm tình sống tình người kính trọng người khác, cho dù những bạn học khác cùng trang lứa, có niềm tin đạo giáo khác với họ.

1. Bạn Mai hỏi: Tôi thấy bây giờ càng ngày càng có nhiều những diễn biến chiến tranh hận thù, mang đến nhiều điều xấu tiêu cực xảy ra trên thế giới. Nếu chú ý nhìn kỹ hơn, hầu như đều pha lẫn yếu tố tôn giáo…Tôi không biết niềm tin tôn giáo nào có sức mạnh cao cả nhất soi chiếu hướng dẫn cuộc sống con người được?

Bạn Chi lên tiếng: Sao bạn thắc mắc đến điều đó làm gì! Chúng mình đang trong lứa tuổi còn tươi trẻ hướng về ngày mai. Chúng mình phải nuôi và gieo niềm hy vọng, chứ đâu lại chỉ quay đi tìm những điều mình chẳng thấy được?

Bạn Trương: Không hẳn là như vậy đâu! Ðiều bạn Mai thắc mắc không phải là thừa đâu!

2. Bạn Chi: Tôi đâu có nói là thừa đâu! Nhưng sao chúng mình cứ đi tìm những cái khó hiểu qúa! Hôm rồi tình cờ, tôi đọc được một câu chuyện ngụ ngôn thần thoại có chút liên quan đến thắc mắc của Bạn vừa nêu ra. Chuyện cũng hay hay đáo để. Nhưng không biết các Bạn có muốn nghe không đã?

Bạn Mai: Ừ thì cứ kể đi! Chưa chi Bạn đã nói là hay hay rồi! Phải nghe xong mới biết là có hay hay không chứ!

Bạn Trương: Tôi cũng đồng ý như thế!

3. Bạn Chi: Vâng như thế thì tôi kể lại nghe cho vui thôi đây nhé! Ai mà buồn ngủ mắt lim dim là tôi thôi kể ngay, ráng má chịu!

„ Một người cha trẩy đi buôn bán vải cùng lông thú vật ở vùng sa mạc bên Trung Ðông. Ông luôn luôn mang theo bên mình một chiếc nhẫn qúy gía. Chiếc nhẫn này có sức mầu nhiệm biến đổi cuộc sống thành dễ chịu, nếu ai đeo mang nó bên mình. Chính vì gía trị của báu vật đó, nên ông không giây phút nào rời nó ra khỏi ngón tay mình. Và như thế đời ông được hưởng những ngày tháng chúc phúc!

Ông ba có ba ngưòi con. Ông muốn con ông cũng được cùng chung hưởng niềm hạnh phúc như ông đang được. Cho cả ba con, ông không làm được. Ông trao chiếc nhẫn đó cho người con ông yêu qúi tin tưởng nhất. Ông căn dặn người con này phải trao lại chiếc nhẫn cho người con của anh ta, mà anh ta yêu qúi cùng tin tưởng nhất, trước khi qua đời. Ông muốn chiếc nhẫn này chỉ trao vào tay người nào được yêu qúi tin tưởng nhất mà thôi, người đó được hưởng sức mầu nhiệm của chiếc nhẫn cùng là chủ nhà!

Ông nội qua đi. Người con được thừa hưởng gia tài chiếc nhẫn mầu nhiệm bây giờ cũng có người ba con nữa. Ba người con của ông đều là những người ngoan ngoãn biết nghe lời ông. Ông yêu mến cả ba. Ðiều khó khăn cho ông trên giường bệnh lúc gần qua đời, là biết trao chiếc nhẫn mầu nhiệm đã nhận lãnh từ cha mình ngày trước cho ai đây. Nếu ông chỉ trao cho một người trong ba , thì hai người kia sẽ buồn thất vọng và cả chính ông nữa! Cả ba đều xứng đáng cả. Nhưng một chiếc nhẫn cho cả ba thì không được. Vì cha ông ngày trước đã căn dặn phải làm như thế. Sai lời di chúc của cha mình, ông không muốn!

Suy đi nghĩ lại. Ông cho tìm một nhà làm vàng đến. Ông trao cho anh này công tác làm cho ông hai chiếc nhẫn giống y hệt chiếc nhẫn ông đang đeo, không có chút gì sai khác biệt. Anh thợ làm vàng nhận lãnh công tác và anh ta đã làm thành công như được trao phó.

Vui mừng ông gọi ba người con lại trao mỗi người một chiếc nhẫn và thanh thản xuôi đôi tay nhắm mắt về với cha ông tổ tiên!

Sự gì xảy ra cho ba người con đều có chiếc nhẫn? Hãnh diện vì có chiếc nhẫn mầu nhiệm. Họ tranh cãi nhau quyền làm chủ nhà. Ai cũng qủa quyết mình có chiếc nhẫn thần. Họ cãi nhau không sao giải quyết được! Người có chiếc nhẫn thật không sao chứng minh được, đây là thật! Hai chiếc nhẫn kia cũng không làm sao chứng minh đây là thật, đây là điều đáng tin được! Ai cũng cho mình là đang nắm giữ điều thật, làm chủ điều chính, điều đáng tin có phép mầu nhiệm!”

Bạn Mai: Bộ Bạn nghĩ đó là câu trả lời cho thăc mắc của tôi, đơn giản vậy thôi sao? Tôi nghĩ làm sao lại có chuyện không thể phân biệt được sự khác biệt giữa các niềm tin tôn giáo với nhau!

Bạn Trương: Phải chăng tất cả chỉ dựa trên truyền thuyết lịch sử chuyện kể thôi sao?

4. Bạn Chi: Xin lỗi hai Bạn. Các Bạn vừa nói đến truyện kể… xin để cho tôi tiếp tục kể hết câu chuyện chiếc nhẫn thần với ba người con xong đã.

“…Cả ba anh em cùng đưa nhau đến tòa án kiện cáo nhau. Ai cũng qủa quyết mình nắm giữ sự thật! Quan tòa nghe mà không biết phân xử sao cho đúng được!

Suy nghĩ tra cứu tới lui. Vị thẩm phán nói với ba anh em họ như sau: Chỉ có chiếc nhẫn thật mới có phép mầu nhiệm thánh thiêng trước mặt Ðấng Tạo Hóa tối cao và cho con người. Ðó là điều chúng ta phải tìm ra quyết định. Những chiếc nhẫn gỉa không có sức mạnh thánh thiêng này đâu! Người cha của các Bạn chỉ có một chiếc nhẫn thật có sức mầu nhiệm do cha ông trối trao để lại. Nhưng ông đã trao cho cả ba, mỗi Bạn một chiếc nhẫn. Vậy đâu là chiếc nhẫn thật?

Theo tôi nghĩ: Cha của các Bạn không muốn tình trạng độc tài của một chiếc nhẫn do một người nắm giữ xảy ra trong gia đình mình. Nên ông mới làm như thế. Ông muốn các con ông sống chung hòa bình với nhau.

Ông yêu mến cả ba người con như nhau. Ông muốn cả ba đều có hạnh phúc được hưởng điều chúc phúc từ Trời cao.

Ông muốn các con mình phải sống theo đuổi đừng để bị chi phối lâm vào hoàn cảnh khó khăn thiếu tình người, lên án thiên vị ai. Tất cả đều phải được yêu mến kính trọng trong tự do.

Ông muốn các con ông phải nỗ lực làm việc từng ngày tháng. Ðó là gía trị cuộc sống của một con người.Và chính điều đó góp phần xây dựng kiến tạo đời sống..!”

Bạn Mai: Cám Chi, qua câu chuyện ngụ ngôn thần thoại, tôi đã tìm được phần nào ánh sáng câu trả lời cho thắc mắc của tôi về chiến tranh hận thù có liên quan đến niềm tin tôn giáo và với cuộc sống làm người.

Bạn Trương: Không phải chỉ như thế thôi đâu. Tôi nghĩ, vị thẩm phán đã làm một điều rất quan trọng cho đời sống. Ông làm công việc truyền giáo. Ông nói cho mọi người hiểu biết sứ điệp tình yêu thương tha thứ giữa con người với nhau trong đời sống. Ðó là niềm tin tôn giáo, là ân đức sự chúc phúc từ Trời cao. Như lời Chúa Giêsu nhắn nhủ: Người ta xem qủa biết cây” ( Lc 6,43-46)

Bạn Chi: Xin cám ơn hai Bạn nhiều, đã cùng suy nghĩ, cùng tranh luận với. Chúng ta sẽ còn dịp nói chuyện nữa về những thắc mắc suy nghĩ của chúng ta nữa!

Adieu! See you again!

Lễ khánh nhật truyền giáo 24.10.2004
Lm. nguyễn ngọc long