THẮC MẮC : Tôi tin sự sống đời sau?

Có lẽ đã có lần Bạn thắc mắc, khi đọc hay nghe câu trong kinh Tin kính: Tôi xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin sự sống vĩnh cửu đời sau! Là gì vậy ?

Khi tuyên xưng: Tôi tin sự sống vĩnh cửu., là muốn nói: Tôi tin vào sự sống nơi Thiên Chúa. Sự sống này khác với sự sống hiện tại trên mặt đất. Khác thế nào, chưa có ai tưởng tưỡng, hoặc hiểu được. Sự sống này là đích điểm, là quê hương của đời sống. Trên đường về quê hương đó, chúng ta rất có thể lạc lối, vì đường dài, nhiều khó khăn, hay cũng có khi nhiều vui thú, quên mất đích điểm.

Phải chăng sự sống vĩnh cửu nơi Thiên Chúa chỉ bắt đầu sau khi thân xác chết? Vấn nạn này không có câu trả lời rõ ràng. Nhưng tôi tin là không. Tôi tin sự sống đó khởi đầu từ ngày mở mắt chào đời, và cùng với mọi người suốt dọc cuộc đời trên đường về quê hương bình an vĩnh cửu rồi.

Đời sống một người đâu phải chỉ thu tóm trong vòng sinh ra, phát triển lớn lên ăn, mặc, ở, học hành, làm việc và sau cùng chết. Nhưng còn hơn thế nữa. Đó là nhân vị đời sống con người. Đời sống là thắc mắc và trả lời, là suy nghĩ và nói, là ca hát và giữ thinh lặng, là khám phá và ngạc nhiên bỡ ngõ, là cười và khóc, là làm việc và nghỉ ngơi, là hy vọng và lo âu chờ đợi, là có niềm vui và mang niềm vui cho người khác, là đau khổ và được an ủi, là được kính trọng và bị coi thường, là nhận lãnh và cho đi, là đến và đi, là sáng tạo và thưởng thức, là tĩnh và động, là lỗi lầm và ăn năn hối lỗi, nhất là yêu thương và được yêu thương.

Như thế con người không sống đơn lẻ một mình như một hòn đảo ngoài biển khơi, nhưng trong tương quan liên đới với người khác và với thiên nhiên. Vì có như thế họ mới sống được. Và đó mới là đường đời sống. Sự sống vĩnh cửu ngày sau hệ tại vào sự sống ngày hôm nay. Đời sống vĩnh cửu khởi đầu và phát triển, khi con người yêu thương, trung thành với Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa; khi con người thực thi tình yêu thương giữa, với và cho nhau trong khung cảnh môi trường họ sinh sống.( xx Mattheo 25, 31-46; Lk 16,19-26).

Còn thắc mắc có hỏa ngục hay không? Và ai phải vào nơi đó? Trong Tin Mừng Mattheus 25, 31-46 và Lukas 16, 19-26 chúng ta thấy hình ảnh đó. Cảnh tượng này thật hãi hùng, kinh hoàng... Nhưng nếu như thế, thì đâu là tình yêu, lòng trung thành của Thiên Chúa đối với tạo vật do Ngài sáng tạo ra? Chẳng lẽ vì yếu đuối hay vì tội phạm lầm lỗi mà bị trừng phạt trầm luân đời đời sao? Khác nào sau khi hoàn thành xong bức tượng, người thợ điêu khắc khám phá ra một hai hòn sỏi lẫn vào trong đó, hay một hai dấu vết làm xấu bức tượng; và vì không bằng lòng, nên phá hủy, vứt bỏ cả công trình sáng tạo của mình hay sao?

Không, tôi không tin như vậy. Tôi nghĩ là có thưởng phạt công bình. Nhưng tình yêu của Thiên Chúa, Cha chúng ta, là thước đo đời sống của chúng ta.Vì ai chẳng yêu mến con cái, tác phẩm do mình làm ra. Đâu có ai phá hủy, vứt bỏ điều mình yêu chuộng, có chăng thì tìm cách sửa dạy, sửa chữa thôi. Thiên Chúa chúng ta tôn thờ kính tin là Thiên Chúa của tình yêu, của lòng khoan dung tha thứ. Như thế hỏa ngục, có thể nói, là tình trạng vắng bóng tình yêu. Khi con người một mực chối từ tình liên đới với Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, và với tha nhân.

Sống đức tin, Colonia.