Tôi cũng như rất nhiều người trước đây chỉ biết sơ Thanh Thủy qua bài phỏng vấn đăng trên báo Dân Chúa Âu Châu. Nhưng cách đây vài tháng tôi có cơ duyên được tiếp xúc với sơ Thủy bằng xương bằng thịt hẳn hoi. Cơ duyên đó đến với tôi như sau : Trong dịp đại lễ Phục Sinh 2003 vừa qua giáo đoàn Thánh Giuse Hiển thuộc tổng giáo phận Köln (Cologne) thu được một số tiền để giúp những công tác từ thiện. Tôi được giao trách nhiệm liên lạc với sơ Thanh Thủy chuyển số tiền này cho sơ để giúp đỡ những trẻ em mồ côi đang bị bệnh liệt kháng mà sơ đang chăm sóc. Từ đó tôi và sơ Thanh Thủy trao đổi với nhau bằng email có lúc thường xuyên, có khi thất thường.

Những lúc thất thường tôi nghĩ là do sơ bận rộn công việc không có thời giờ, nhưng sau này khi gặp mặt tôi mới được biết là vì sơ không có máy điện toán cá nhân. Giả như có chắc cũng chỉ bỏ vào góc nhà làm kiểng mà thôi. Vì tuy chúng ta đang sống giữa thời đại kỹ thuật tân tiến nhưng máy điện toán hiện giờ vẫn chưa chạy được bằng dầu hoặc đèn cày. Mỗi lần sơ muốn liên lạc với thế giới bên ngoài bằng email sơ phải nhờ máy của mấy cha dòng Don Bosco người Ba Lan ở cách chỗ sơ làm việc gần 20 cây số. Phương tiện sang trọng nhất mà sơ sử dụng là chiếc xe đạp có lẽ chỉ ở bên Phi Châu mới có. Tuy nhiên sơ cũng chẳng được sử dụng máy miễn phí mà bù lại sơ phải dạy các học trò của các cha về âm nhạc và tiếng anh . . .

Ðể kỷ niệm 10 năm sơ tuyên khấn và được sự chấp thuận của nhà dòng, gia đình sơ ở Úc muốn mua vé máy bay cho sơ sang tham dự Hội Ngộ Niềm Tin ở Rôma cũng như tham dự cuộc hành hương và du ngoạn một vòng Âu Châu cùng với phái đoàn ở Úc do cha Nguyễn Thanh Liêm là anh ruột của sơ hướng dẫn. Do đó sơ có ý định ghé sang Ðức ít ngày trước khi sang pháp để tháp tùng phái đoàn của Úc. Chính nhờ cơ duyên đó tôi được hân hạnh biết và đón tiếp sơ Thanh Thủy.

Nhưng theo lời sơ Thủy kể, cuộc hành trình của sơ khá vất vả. Từ chỗ làm việc (Kazembe/Zambia) sơ phải ngồi xe đò (như xe đò ở Việt Nam) từ sáng sớm đến tối, vượt ngàn cây số mới tới thủ đô Lusaka. Từ thủ đô mới có máy bay sang Nam Phi, rồi từ Nam Phi bay sang Âu Châu. Ngay cả vấn đề sắp xếp chuyến bay, văn phòng du lịch ở Úc cũng phải dàn xếp mãi và tới khi sơ chuẩn bị lên máy bay mà vẫn chưa có vé. Do đó trước khi được gặp mặt sơ Thủy tôi cũng ở trong tình trạng hồi hộp lo lắng vì không biết sơ có sang được không để đi đón.

Email cuối cùng của sơ tôi nhận được trước khi sơ lên đường khoảng một tuần, sơ chỉ cho biết ngày sẽ tới phi trường Düsseldorf, nhờ tôi ra đón. Những chi tiết khác như giờ nào tới, từ đâu tới, hãng máy bay nào . . . tôi chẳng hề được biết bởi vì chính sơ cũng chưa biết rõ những chi tiết đó để có thể báo cho tôi. Sơ chỉ cho tôi biết khi tới phi trường Nam Phi sẽ gọi điện thoại cho tôi biết những chi tiết đó. Thế nhưng cho tới ngày sơ sẽ tới Düsseldorf tôi vẫn chẳng nhận được tin tức gì. Sáng sớm hôm đó sắp tới giờ tôi chuẩn bị đi làm mới nhận được điện thoại của sơ từ phi trường Frankfurt cho biết khoảng 2 tiếng nữa sẽ tới Düsseldorf . Lúc đó tôi mới thực sự yên tâm là sơ đã sang được tới Ðức.

Sơ Thanh Thủy, người mà tôi đã được giáp mặt là người có một nụ cười thật tươi lúc nào cũng nở trên môi. Một con người thật bình dị, không có dáng vẻ cao sang nhưng lại là người đa tài và có trái tim thật vĩ đại. Bất cứ người mẹ nào cũng đều có trái tim vĩ đại bởi tình mẫu tử là một khối tình vô hình, vô sắc nhưng thật khổng lồ, chỉ có trái tim vĩ đại mới có đủ sức chứa mà thôi. Trái tim của sơ Thanh Thủy không chỉ vĩ đại như một người mẹ bình thường vì sơ không chỉ có một vài người con mà có hàng chục hàng trăm những đứa con để ấp ủ, để yêu thương. Ðặc biệt những đứa con của sơ không phải là những đứa con cùng chủng loại, cùng màu da, do đó chỉ có những người có trái tim vĩ đại mới có thể cho chúng tình thương của một người mẹ. Sơ Thủy có lần đã viết xin tôi cầu nguyện để sơ có thể được sang Ðức, tôi trả lời là tôi cũng rất mong được gặp mặt sơ để xem con người sơ thế nào mà lại có trái tim to lớn thế.

Những đứa con của sơ Thủy là những trẻ em ở làng Kazembe thuộc nước Zambia bên Phi Châu. Các em mồ côi bởi cha mẹ đã chết vì bệnh liệt kháng và dĩ nhiên do di truyền các em cũng không thoát được căn bệnh hiểm nghèo đó. Vì thế tuổi thọ của các em thường không quá 8 tuổi. Cuộc đời của các em quả thực quá ngắn ngủi, do đó sơ Thanh Thủy đã và đang dành cho các em cả khối tình thương bao la như một người mẹ để an ủi vỗ về các em với ước mong các em có được niềm vui và hạnh phúc trong những ngày còn lại trước khi về đoàn tụ với cha mẹ ở thế giới bên kia.

Vì cha mẹ không còn, các em phải sống với ông bà, chú, bác, cô cậu . . .Hằng ngày với chiếc xe đạp cọc cạch hoặc đi bộ sơ rảo quanh khắp làng để chăm sóc các em. Nhờ trợ cấp của cơ quan Hồng Thập Tự quốc tế, 4 ngày trong tuần sơ tụ tập các em lại cho chúng ăn, dạy chúng học, nhảy múa, ca hát . . . Mỗi lần cho các em ăn sơ cứ phải đi vòng quanh để canh chừng sợ những người lớn ăn dành phần của các em. Thực ra quá nghèo khổ ai thấy miếng ăn mà không thèm, do đó những người lớn cứ chờ chực sau khi chia phần cho các em xong thì họ chia nhau những miếng cháy cặn còn dính ở đáy nồi.

Vì chỉ có một mình nên sơ phải thủ tất cả mọi vai : mẹ nuôi, cô giáo, thầy thuốc . . . Tại một xứ khí hậu nóng, còn lạc hậu, vấn đề vệ sinh rất kém, bệnh ghẻ, lác là những bệnh luôn gắn liền với các em. Ðặc biệt các em bị mắc bệnh liệt kháng da xanh xao, bụng to phình, rốn lồi ra cả đốt ngón tay. Những em đã tới thời kỳ trầm trọng, người các em và nhất là miệng xông ra những mùi rất hôi thối. Ðối với những người nhậy cảm có thể bị nôn oẹ và chịu không nổi. Hỏi vậy sơ có sợ không, sơ trả lời ban đầu cũng sợ nhưng mình muốn giúp người ta thì không có cách gì hơn là cố gắng chịu đựng và đề phòng cẩn thận.

Tôi vẫn nghĩ chỉ những người có trái tim như sơ Thanh thủy mới có thể làm những công việc mà chẳng ai muốn và chẳng ai dám làm. Nói đến bệnh AIDS ai cũng sợ và muốn tránh xa, thế mà sơ Thủy lại tình nguyện đến với họ để chăm sóc và yêu thương họ với tất cả con tim mở rộng. Sơ Thủy cho biết đã xin nhà dòng cho sơ làm việc ở đó tới khi nào không còn làm việc được nữa mới thôi. Như thế sơ đã quyết định dâng hiến cả cuộc đời cho những trẻ em bất hạnh ở Phi Châu. Mặc dù chỉ tiếp xúc với sơ Thủy một thời gian ngắn nhưng tôi có thể cảm nhận được tình thương mà sơ dành cho các em thắm thiết như thế nào.

Hôm sơ Thủy mới sang Ðức tôi đưa sơ tới dự thánh lễ mừng bổn mạng tại một cộng đoàn địa phương để sơ có cơ hội gặp gỡ bà con và nói vài lời cám ơn. Nói xong vài lời cám ơn, khi nhắc tới hoàn cảnh của các em : bị bệnh rồi chết . . . những hình ảnh đáng thương đã bừng dậy trong trí khiến sơ bật khóc tức tưởi không thể nói gì được nữa khiến mọi người sửng sốt và cảm thấu được tình thương mà sơ đã dành cho những trẻ em bất hạnh đó.

Ðiều đặc biệt tôi cảm nhận được nơi sơ Thủy là tình yêu thương của Thiên Chúa được thể hiện trong con người của sơ. Suốt một tuần lễ tại nhà cũng như những lúc đi chỗ này chỗ kia để lo công việc hoặc đi chơi tôi không hề nghe một tiếng chê bai nào từ miệng sơ đối với mọi người, đối với mọi sự việc và với cả mọi đồ vật. Bất cứ gặp người nào hay đồ vật gì . . . sơ cũng chỉ có một câu :„dễ thương quá“, và trên môi lúc nào cũng điểm một nụ cười thật tươi, thật hồn nhiên thoải mái không một chút gượng gạo. Trước ngày sơ rời Ðức để sang Pháp tôi đã hỏi đùa sơ rằng :“ Có phải trái tim của sơ chỉ có một ngăn không ?“. Sơ vẫn cười thật tươi và thật to trả lời :“ Không phải đâu, tim của con có nhiều ngăn lắm.“

Ðối với tôi, trái tim của sơ Thanh Thủy chỉ có một ngăn duy nhất. Ðó là ngăn „TÌNH THƯƠNG“, và có lẽ vì ngăn này quá đầy nên những giận hờn, ghen ghét, đố kỵ, kỳ thị . . . không còn chỗ ngự trị trong trái tim của sơ . Nhờ trái tim chỉ có một ngăn mà sơ đã và đang làm việc với tất cả tâm hồn hăng say và vui vẻ. Cánh đồng truyền giáo đang có một thợ gặt giỏi và cần cù.

Lần khác tôi đã đùa với sơ rằng : „Chúng ta đã có mẹ Têrêsa Calcutta, mai mốt sẽ có thêm mẹ Têrêsa Zambia“. Sơ cũng đã cười ngất :“ Con không dám đâu, con chưa bằng một phần tí ti của mẹ Têrêsa .„ Tôi nghĩ sơ thật khiêm nhường nhưng có lẽ sơ cũng mang trong mình trái tim đầy thần khí yêu thương của mẹ Têrêsa.

Mục đích là đi hành hương và du ngoạn nhưng lúc nào sơ cũng để tâm tìm kiếm phương tiện hoặc những cơ quan có thể giúp các em như thuốc men, quần áo, đồ dùng cá nhân . . . Thời gian sơ ở Ðức ít quá chúng tôi không thể giúp sơ được nhiều ngoài việc liên lạc được một vài cơ quan từ thiện. Trên nguyên tắc họ có thể trợ cấp thuốc men hoặc quần áo cũ, nhưng sơ phải về Phi Châu làm đơn và có giấy chứng nhân của các vị bề trên hoặc các đấng có thẩm quyền. Không biết sẽ có kết quả gì không, bởi vì vấn đề chuyên chở tới chỗ sơ làm việc là trở ngại lớn nhất. Xin Chúa chúc lành và phù trợ công việc của sơ.

Tuy nhiên, như sơ tâm sự với chúng tôi mong ước lớn nhất của sơ là làm sao xây được một viện mồ côi ngay tại chỗ sơ làm việc, không cần khang trang và tiện nghi như ở Âu, Mỹ nhưng có chỗ để sơ gom hết các em lại hầu có thể chăm sóc các em chu đáo hơn và như thế sơ cũng không mất nhiều thời giờ rảo quanh khắp xóm.

Trên đây là ít điều suy nghĩ về con người và việc làm của sơ Thanh Thủy. Tôi không có ý đề cao cá nhân sơ Thủy mà chỉ muốn chia sẻ với những ai chưa có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với sơ Thủy, đặc biệt là các bạn trẻ. Mong rằng các bạn có thể hiểu được tinh thần dấn thân của những người đang hoạt động trong cánh đồng truyền giáo, nhất là những người tuổi đời còn non trẻ như sơ Thủy có can đảm đem Tin Mừng đến những nơi chẳng mấy người biết đến. Và mặc dù trong tinh thần phục vụ sơ đã có Chúa cùng đồng hành nhưng sơ vẫn cần có sự trợ giúp của con người từ khắp nơi không những về tinh thần mà cả vật chất nữa. Vì không có thực thì cũng khó mà vực đạo được.

Nếu có bạn nào muốn chia sẻ và giúp đỡ những hoạt động truyền giáo với sơ Thanh Thủy xin cứ việc liên lạc với sơ qua địa chỉ email : sdbkazem@zamtel.zm (Message for Thanh Thuy) Chắc chắn sơ sẽ cảm thấy không bị lẻ loi giữa cánh đồng hoang vu, xa lạ.

Ðỗ Văn Thục

Người Có Trái Tim Chỉ Một Ngăn